Đôi Lời Phi Lộ

Xin phép được dùng lời nhắn nhủ của giáo sư/nhà văn Doãn Quốc Sỹ để đặt tên cho trang blog này.Trang blog sưu tập những ý kiến và đề nghị về những từ ngữ dùng không được đúng qui cách, chỉ nhằm mục đích “gìn vàng giữ ngọc” tiếng Việt mến yêu của chúng ta mà thôi. Xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng của quí đồng hương.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Thân Chinh - Thân Hành


THÂN CHINH theo tự điển Đào Duy Anh: vua tự mình cầm quân (thân) đi đánh giặc (chinh) gọi là thân chinh. Như vậy chữ THÂN CHINH chỉ dùng cho vua (bây giờ thì là Tổng Thống) phải là tự thân mình dẫn quân ra mặt trận chỉ huy trận đánh, còn ở tại cung điện ra lệnh cho tướng lãnh ra trận không thể gọi là thân chinh. Tướng lãnh chỉ là người thừa lệnh vua đi đánh giặc nên không dùng từ "thân chinh" được, càng không thể nói ông bộ trưởng, ông Giám đốc, ông Chủ tịch tỉnh... thân chinh tới công trường..., thân chinh giám sát, đốc thúc v.v. Trong trường hợp này chỉ có thể nói là THÂN HÀNH mà thôi. (Thân hành= đích thân đi làm một chuyện gì đó).

(Nguồn: Internet)

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Viễn Vông hay Viển Vông



" Viễn vông" hay " Viển vông"? 

            Hoàng Tuấn Công 

Sáng nay 23/5/2014 mình cùng nông dân ra đồng thu hoạch vụ xuân dưới cái nắng hầm hập, bỏng rát như đổ lửa. Lúc nghỉ, mượn được cái máy tính bảng, vào trang nhà Tuấn Công Thư Phòng xem khách khứa sáng nay thế nào thì nhận được câu hỏi của Bọ Lập: “Báo chí viết loạn cả lên: Hữu nghị viển vông. Mình cũng lúng túng. Theo Công thì viễn vông hay viển vông ?”. 


Mình nghĩ: đúng là Bọ Lập ! Cái gì cũng quan sát cặn kẽ, cụ thể, chính xác, ra vấn đề mới nghe. Có những cái xung quanh chẳng ai nhìn thấy hay nghĩ ra được cái gì đáng kể thì Bọ lại nhìn ra khối thứ hay. Thế nên những “Ký ức vụn”, những “Chuyện đời vớ vẩn”, rồi “Chuyện nhà quê”, chuyện quán xá nhậu nhẹt với “Bạn văn”... tưởng vụn vặt, vớ vẩn lại có sức hấp dẫn, lôi cuốn bao người. 

Mình chấm chấm quẹt quẹt trên màn hình cái máy đi mượn không quen. Mấy con chữ cứ nhảy nhót tung tăng, loạn xị ngậu lên. Cuối cùng cũng trả lời vắn tắt gửi Bọ Lập. Đại khái: viết đúng phải là “viễn vông” chứ không phải “viển vông”, vì thế này...vì thế kia...Về nhà có thời gian xem lại, thấy “báo chí viết loạn cả lên” và Bọ Lập “cũng lúng túng” là đúng thôi. Bởi vấn đề khá phức tạp. Nhân đó xin phép Bọ Lập để ngỏ câu chuyện chữ nghĩa thú vị này, những mong giúp ích gì đó cho bạn đọc của Tuấn Công Thư Phòng.

Vậy “viễn vông” hay “viển vông” ?
-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) viết: “Viển vông: tính từ, không thiết thực, hết sức xa rời thực tế. mơ ước viển vông; toàn nói những chuyện viển vông. đồng nghĩa: hão huyền”.
-Từ điển chính tả (dành cho học sinh)-NXB Từ điển bách khoa-Trung tâm từ điển học: “Viển: viển vông: diễn giả nói những điều viển vông”.
-Từ điển chính tả tiếng Việt-Nguyễn Trọng Báu-NXB Giáo dục-2013: “Viển: viển vông (Xa rời thực tế, chẳng thiết thực gì cả: suy nghĩ viển vông)
-Từ điển từ láy tiếng Việt-Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Viện ngôn ngữ học-NXB Khoa học xã hội: “Viển vông tính từ. Không thiết thực và rất xa thực tế. Chuyện viển vông. Mơ ước viển vông”.
-Từ điển Việt Hán-GS Đinh Gia Khánh hiệu đính-NXB Giáo dục-2003: “Viển vông: 虚幻的(hư ảo đích).

Như thế, rất nhiều sách từ điển tiếng Việt viết là “viển vông” (viển dấu hỏi) chứ không phải “viễn vông” (viễn dấu ngã). Hoá ra mình tư vấn sai cho Bọ Lập hay sao ? Nghĩ vậy đúng mà không đúng. Bởi vì từ “viển vông” (như mình đã giải thích với Bọ Lập) vốn là biến âm của “viễn vọng” nghĩa là trông xa:
 
-Chữ “vọng” nghĩa gốc là nhìn ra nơi xa. Giáp cốt văn: chữ “vọng” giống như một người đang đứng, mắt mở to nhìn ra xa. Kim văn: thêm hình mặt trăng, thể hiện rõ một người đang “viễn vọng”- nhìn xa.

-Ngoài nghĩa đen là nhìn xa, trong Hán văn, từ “viễn vọng” có nghĩa bóng là “ảo tưởng”, trông chờ vào cái gì đó quá xa vời, không thực tế. Từ điển Việt-Hán (sách đã dẫn) cho ta biết: “Viễn vọng: nghĩa 1. 遠望 viễn vọng-nhìn xa; kính viễn vọng 遠望鏡 (viễn vọng kính) Nghĩa 2. 幻想 -ảo tưởng”.
 
-Từ “ảo tưởng” được Từ điển tiếng Việt giải thích: “có ý nghĩ viển vông, mơ hồ, thoát li hiện thực: ảo tưởng về một thế giới hoàn mĩ”.
-Việt Nam tự điển (Hội khai trí tiến đức-1932):
+Viển-vông: Vu vơ, không có bằng cứ gì cả. Câu chuyện viển vông.
+“Viễn-vọng: trông xa. Đứng trên lầu viễn-vọng. Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi: Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông”.

Như thế, ta có mối liện hệ: Viễn vọng = Ảo tưởng = viển vông. Đặc biệt, Việt Nam tự điển-cuốn sách xuất bản đầu thế kỷ XX cho ta biết thêm: thời bấy giờ đã có sự biến âm “viễn vọng” thành “viển vông”. Tuy nhiên, người ta chưa quên hẳn từ “viễn vọng” nên còn được Việt Nam tự điển ghi nhận: “Viễn vọng: Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi”. Đáng chú ý, cái ví dụ có vẻ “trái khoáy” “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông” của Việt Nam tự điển cho ta thấy “viển vông” bắt đầu Việt hóa: viễn biến âm thành viển; vọng biến âm thành vông, dần dần thay thế hoàn toàn cho từ Hán Việt “viễn vọng” (Đây là hiện tượng dùng một từ Hán Việt cũ để giải thích cho một từ Việt hóa mới, theo kiểu như “ngày sinh nhật”) Để rồi thay vì nói: “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông” người ta sẽ nói: “Chỉ nói toàn những chuyện viển vông”. Và hơn nửa thế kỷ sau, người ta đã quên hẳn từ “viễn vọng” với nghĩa bóng “mong mỏi chuyện xa xôi” của nó và mặc nhiên công nhận duy nhất từ “viển vông”. Đến mức Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) xếp “viển vông” vào diện “từ láy tiếng Việt”. Qua đó cho rằng trong từ ghép “viển vông” có một từ  không có nghĩa.

Vậy, bây giờ ta phải theo cách viết nào ? “Viển vông” hay “viễn vông”. Theo tôi, đã đến “nước này” thì đành phải theo số đông vậy. Hơn nữa, một khi chữ “vọng” đã biến âm thành chữ “vông”, thì có lý gì với chữ “viễn” lại không cho nó cái “quyền” biến thành chữ “viển”. Tuy nhiên với các nhà biên soạn từ điển, theo chúng tôi khi giải thích nghĩa từ “viển vông” nên chú thích nguồn gốc của từ và đưa ra lời khuyên dùng thống nhất là “viển vông” hay “viễn vông”, tránh băn khoăn, thắc mắc cho mọi người mỗi khi nói và viết. 

Tác giả gửi Quê Choa

Nguồn: bolapquechoa.blogspot.com

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Hiền Mẫu - Hiền Phụ - Từ Phụ



Ngày Từ Phụ
Đỗ Chiêu Đức

Ta thường gọi ngày LỄ MẸ là NGÀY HIỀN MẪU, nên khi đến ngày LỄ CHA thì rất nhiều người theo thói quen, thay chữ MẪU bằng chữ PHỤ, và gọi ngày Lễ Cha bằng NGÀY HIỀN PHỤ!!!...
Ngày Lễ Cha, Father's Day, không thể gọi là ngày HIỀN PHỤ được, vì Hiền Phụ 賢婦 là VỢ HIỀN, chớ không phải CHA HIỀN. Muốn nói Cha Hiền thì phải gọi là TỪ PHỤ 慈父, lấy trong thành ngữ "Phụ Từ Tử Hiếu 父慈子孝", tương đương trong tiếng Nôm ta là "Cha Hiền Con Thảo."  Trong gia đình Phong Kiến ngày xưa, người Cha luôn luôn nghiêm khắc và nghiêm cẩn trong mọi hành vi cũng như sinh hoạt của gia đình, nên còn được gọi là NGHIÊM ĐƯỜNG, NGHIÊM PHỤ.  Lời dạy của Cha thì gọi là NGHIÊM HUẤN, như trong Truyện Kiều, khi Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ cô Kiều, cụ NGUYỄN DU đã viết :

 Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,
Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.

Nhưng bây giờ mà ta gọi như thế thì nghe Nghiêm khắc và xa rời con cháu quá!   Còn một từ dùng để gọi cha ngày xưa nữa là XUÂN ĐƯỜNG (còn đọc là THUNG ĐƯỜNG) 椿堂. Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình.  Khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...

      Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
     Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.

Sẵn trình bày luôn về từ dùng để chỉ Mẹ là HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂.  HUYÊN là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ nên ta có từ gọi chung CHA MẸ là XUÂN HUYÊN.  Khi hay tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nỗi "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao ", khiến cho :

    XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,
    Hóa ra khi đến thế nào mà hay!

Xin được trở lại và nói thêm  về từ HIỀN PHỤ là VỢ HIỀN;   HIỀN :  Ngoài nghĩa trái với Dữ là HIền Thục ra, Hiền còn có nghĩa là GIỎI GIANG.  Ví dụ: Hiền Thần là Bề tôi giỏi để phò Vua giúp nước.  Hiền Tài là người có Tài Giỏi và đây cũng là một chức sắc Giỏi Giang trong Cao Đài Giáo.
PHỤ :  Đây là kiểu chữ HỘI Ý, được ghép bởi bộ NỮ bên trái là Cô Gái, và chữ TRỮU bên phải là Cây Chổi  hàm ý là cô gái mà cầm cây chổi (để quét dọn nhà cửa) là đã trở thành người chủ của gia đình rồi, đã kết hôn rồi, nên PHỤ là Đàn Bà, là Người Vợ.  Vì thế mà HIỀN PHỤ là VỢ HIỀN.  PHỤ NỮ là chỉ chung tất cả CÁC BÀ CÁC CÔ có chồng hoặc "chổng chừa!"  PHU PHỤ là Vợ Chồng.  Hồi nhỏ thường hay nghe Má tôi hát ru em như thế nầy:
   Sông dài cá lội biệt tăm,
  Phải duyên PHU PHỤ ngàn năm em cũng chờ!
  Nên...
HIỀN PHỤ: Chẳng những chỉ người đàn bà hiền thục, mà còn chỉ người đàn bà giỏi giang "Tướng phu giáo tử"  (Giúp đỡ chồng và nuôi dạy con cái).
Trong văn chương không thiếu những áng văn những bài thơ ca tụng mẹ hiền, có thể sự dịu dàng hòa ái của bà mẹ gần gũi với con cái hơn là bộ mặt lúc nào cũng "Lập nghiêm" của ông cha.  Cha thì lo việc lớn hơn, ngoài việc duy trì và nuôi sống gia đình, lắm ông còn phải chăm lo việc nước, việc ngoài xã hội...  Nhưng cũng có những người cha có máu "giang hồ" thích lang bạt rày đây mai đó... Ta hãy cùng đọc một bài Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt của Đỗ Mục đời Đường để thắm thía hơn với cái máu "giang hồ" của các ông cha ngày trước...

         歸家                           QUY GIA
   
稚子牽衣問,            Trỉ tử khiên y vấn
   
歸來何太遲。            Quy lai hà thái trì ?
  共誰爭歲月,            Cộng thùy tranh tuế nguyệt
   
贏得鬢如絲。            Doanh đắc mấn như ti
       
杜牧                                       Đỗ Mục

Thích nghĩa :

QUY là về, GIA là nhà, QUY GIA là Về Lại Nhà.

   1. Câu 1: Trỉ là non, Tử là Con. TRỈ TỬ: không phải là con non mà là Con Thơ.  Khiên: là nắm, là níu, là dắt.  Y là Áo, Vấn là Hỏi.  Nghĩa toàn câu là :
                     "Con thơ níu áo hỏi"
   2. Câu 2: Quy là Về, LAI là Xu hướng Động từ, chỉ sự di chuyển gần đến người viết hoặc nói.  QUY LAI là Về lại, là Về "đây."  QUY KHỨ là Về "đi " (KHỨ chỉ di chuyển Xa người nói hoặc viết).  Hà là Sao? Thái là Quá.  Trì là Trễ, muộn. Nghĩa cả câu:
       "Sao muộn quá mới về nhà?"

   3. Câu 3: Cộng là cùng, chung.  Thùy là Ai?  Tranh là dành, giựt.  Tuế là Tuổi, là Năm.  Nguyệt là Tháng.  

Nghĩa cả câu : 
Cùng với ai dành giựt năm tháng, ý nói: "Cùng với ai sống đua chen trong những năm tháng đó?"

   4. Câu 4: Doanh là Lời, thắng, Ăn, thu hoạch.  Đắc là được. Mấn là Tóc mai.  Như là giống, giống như.  Ti là Tơ. 

Nghĩa cả câu :
(chỉ) lời được hai bên tóc mai trắng như tơ.

Diễn nôm : 
                  Về Lại Nhà
            Con thơ trì áo hỏi
            Sao đi mãi đến giờ ?
            Cùng ai ngày tháng ấy
            Mà tóc đã bạc phơ!

Lục bát :
           Con thơ níu áo hỏi ba
      Đi sao lâu quá, bỏ nhà bỏ con!
           Cùng ai ngày tháng mõi mòn?
      Sương pha tóc trắng chẳng còn như xưa!

Hai câu đầu là lời chất vấn, thắc mắc, thơ ngây nhưng lắc léo của con thơ.  Nhưng hai câu sau... hình như là lời than van, oán trách, khúc mắc, thở than của bà... nội tướng đã biết bao ngày khoắc khoải, mòn mỏi đợi chàng về!

Trong ngày LỄ CHA, mong rằng các ông cha luôn luôn trân quý sự sum họp và tình cảm gia đình để gắn bó hơn với con cái và các thành viên trong đó, nhất là với người đầu gối tay ấp, sao cho...
 Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông!
                        (  Truyện Kiều )